Tác giả: TS. Phạm Đức Quang (Bút danh Sơn Đông)
BÓI KIỀU CÙNG SƠN ĐÔNG
6 NGƯỜI CHỒNG CỦA THÚY KIỀU VÀ
5 KIỂU LÀM CHỒNG TRONG XÃ HỘI.
LÀM CHỒNG KIỂU KIM TRỌNG
KỲ CUỐI : KIM KIỀU CHIA LY, TÁI HỢP
Tình yêu : Thần tượng
Hôn nhân : Tượng trưng
Tính cách người chồng : Hào hoa phong nhã thủy chung son sắt
Sau ngày nguyện ước dưới vầng trăng tròn vằng vặc Kim Trọng nhận được tin Thúc Phụ từ trần nên cha mẹ gọi về quê hộ tang :
Liêu Dương cách trở sơn khê,
Xuân Đường kịp gọi sinh về hộ tang.
Kim Trọng đau đớn tạm biệt Thúy Kiều.Chàng nhắc lại lời thề nguyền và hứa sẽ thủy chung với Kiều suốt đời :
Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng.
Một trong những nguyên nhân làm cho Truyện Kiều của Đại Thi hào Dân tộc Nguyễn Du trở nên bất hủ là rất nhiều câu Kiều vượt qua không gian ,thời gian và đúng với mọi thời đại . Câu thơ Kim Trọng dặn Kiều bảo trọng là một trong những câu thơ đó,thể hiện tấm lòng của người đi xa với người ở lại mà thời đại nào cũng có:
Gìn vàng giữ ngọc cho hay,
Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời.
Nàng Kiều “ Tai nghe ruột rối bời bời “ ngậm ngùi than thở :
Ông tơ ghét bỏ chi nhau,
Chưa vui xum họp đã sầu chia phôi !
Rồi nàng hứa với Kim Trọng:
Cùng nhau trót đã nặng lời,
Dẫu thay mái tóc dám dời lòng tơ.
Nàng cũng không quên động viên người đi xa :
Còn non còn nước còn dài
Còn về còn nhớ đến người hôm nay.
Đôi trai gái khóc lóc bịn rịn dùng dằng không nỡ chia tay :
Ngại ngùng một bước một xa
Một lời trân trọng châu sa mấy hàng.
Dù quyến luyến nhau bao nhiêu thì hai kẻ yêu nhau cuối cùng cũng phải gạt lệ biệt ly :
Buộc yên quảy gánh vội vàng
Mối sầu sẻ nửa bước đường chia hai.
Kim Trọng đi chưa được bao lâu thì gia đình nàng Kiều gặp tai họa. Một thằng bán tơ ngậm máu phun người vu oan giá họa cho gia đình Kiều đến nổi cha và em trai nàng rơi vào vòng tù tội ,của cải nhà cửa bị quan lại tịch thu hết. Viên quan tham nhũng đòi ăn hối lộ 300 lạng vàng thì mới thả cha và em nàng ra.Vì chữ hiếu nàng Kiều đã bán mình cứu cha. Trước khi theo thằng chồng vô liêm sĩ là Mã Giám Sinh nàng Kiều đã quỳ xuống khẩn cầu em gái mình là Thúy Vân thay mình kết hôn với chàng Kim để giữ lời thề ước với người yêu :
Cậy em em có chịu lời,
Ngồi lên cho chị lạy rồi chị thưa
Giữa đường đứt gánh tương tư
Keo loan chắp nối tơ thừa mặc em.
Thúy Kiều đau xót kể hết mối tình sâu đậm ,đưa tín vật hẹn ước thề nguyền giữa nàng và Kim Trọng cho em gái xem và nói rằng nếu Thúy Vân nhận lời thì đó là một ơn trọng mà nàng không bao giờ quên :
Ngày xuân em hãy còn dài,
Xót tình máu mủ thay lời nước non.
Chị dù thịt nát xương mòn,
Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.
Rồi Thúy Kiều hướng về phương trời xa mà lạy Kim Trọng :
Trăm nghìn gửi lạy tình quân
Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.
Nàng đau đớn vật vả thét lên :
Ôi Kim Lang ! hỡi Kim Lang !
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây.
Người con gái bán mình cứu cha đó đã không chịu nổi cú xốc oan nghiệt mà khụy xuống ngất lịm :
Cạn lời hồn ngất máu say,
Một hơi lặng ngắt đôi tay lạnh đồng.
Suốt 15 năm lưu lạc hình ảnh chàng Kim không bao giờ phai mờ trong trái tim nàng Kiều.
Lại nói về Kim Trọng sau khi hộ tang chú xong tìm lại nhà Thúy Kiều biết được người yêu đã bán mình cứu cha thì đau đớn vật vã khóc than ngất lên ngất xuống :
Vật mình vẫy gió tuôn mưa,
Dầm dề giọt ngọc thẫn thờ hồn mai !
Đau đòi đoạn ngất đòi thôi,
Tỉnh ra lại khóc ,khóc rồi lại mê.
Mặc dầu theo ý nguyện của người yêu chàng kết hôn với Thúy Vân nhưng suốt 15 năm vẫn không ngưng nghỉ tìm kiếm Thúy Kiều. Được họ Đô, Thúc Sinh và một số người kể lại Kim Trọng biết được nàng Kiều đã nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn. Chàng đau xót khôn cùng và lập đàn cầu xiêu cho nàng:
Chiêu hồn thiết vị lễ thường,
Giải oan lập một đàn tràng bên sông.
May thay sư Giác Duyên đi qua cho cả nhà hay là Kiều còn sống :
Cơ duyên đâu bỗng lạ sao
Giác Duyên đâu bỗng tìm vào tận nơi.
Trông lên linh vị chữ bài,
Thất kinh mới hỏi : “Những người đâu ta ?
Với người thân thích gần xa
Người còn sao lại làm ma khóc người ?”.
Cả nhà Kiều mừng rỡ khôn xiết theo Giác Duyên về nơi ở của nàng .Họ gặp nhau mừng mừng tủi tủi :
Giọt châu thánh thót quẹn bào
Mừng mừng tủi tủi xiết bao là tình.
Trong bữa tiệc đoàn viên Thúy Vân chủ động đề nghị Kim Kiều tái hợp :
Còn duyên may lại còn người,
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa.
Quả mai ba bảy dương vừa,
Đào non sớm liệu xe tơ kịp thì.
Kim Trọng cũng mong được tái hợp với Thúy Kiều :
Trời còn để đó hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười năm xưa.
Kiều lấy cớ đã qua 15 năm lưu lạc , chữ trinh không còn giữ được nên từ chối hôn sự với chàng Kim:
Thiếp từ ngộ biến đến giờ
Ong qua bướm lại đã thừa xấu xa.
Kim Trọng quan nệm về chữ trinh rất thoáng. Chàng cho rằng không phải ai trước khi lấy chồng đã mất trinh cũng là xấu xa:
Xưa nay trong đạo đàn bà,
Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường
Có khi biến có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh.
Và chàng khẳng định rằng việc Thúy Kiều bán mình cứu cha thì chẳng có hạt bụi nào có thể làm đục được nàng :
Như nàng lấy hiếu làm trinh,
Bụi nào cho đục được mình ấy vay ?
Nghe Thúy Vân chủ động đề cử,nghe Kim Trọng thổ lộ nổi lòng, nghe cha mẹ nhiệt tình ủng hộ ,nàng Kiều đồng ý tác hợp nhưng dừng ở mức độ tâm hồn :
Hai tình vẹn vẻ hòa hai,
Chẳng trong chăn gối cũng ngoài cầm thơ,
Khi chén rượu khi cuộc cờ
Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên.
Tình yêu của Kim Trọng Thúy Kiều là tình yêu thần tượng . Cái nghĩa vợ chồng được tác hợp sau 15 năm lưu lạc không có mục đích sinh con nối dõi tông đường mà tình luyến ái trong thơ ca nhạc họa. Nhưng dù ở hình thức nào đôi lứa Kim Kiều cũng thể hiện một tình yêu chung thủy sắt son.
Với 6 người chồng,lão Thổ Quan mới cưới Kiều xong thì nàng đã nhảy sông tử vẫn ,còn lại 5 người chồng khác có kẻ ích kỷ tàn nhẫn vô liêm sỉ như Mã Giám Sinh,có kẻ lưu manh lừa đảo như Bạc Hạnh,có kẻ ăn chơi nhu nhược như Thúc Sinh,có người nghĩa hiệp bao dung trọn vẹn như Từ Hải ,có người hào hoa phong nhà thủy chung như Kim Trọng đã đưa đẩy cuộc đời Thúy Kiều bảy chìm ba nổi chín lênh đênh. Nhưng cái gốc sinh ra nỗi đau khổ của nàng Kiều nói riêng và của con người nói chung là ở thói tham lam độc ác của những kẻ bất chấp đạo lý, pháp luật. Đại Thi hào Dân tộc Nguyễn Du đã khắc sâu hình tượng nhân vật nàng Kiều và những người chồng của nàng bằng những vần thơ bay bổng tuyệt vời như một lời tâm sự, một lời khuyên nhủ ,một lời thức tỉnh ,một lời tư vấn,một lời cảnh báo dự đoán về cách đối nhân xử thế trong quan hệ tình yêu hôn nhân gia đình xã hội không chỉ cho người đương thời mà cho muôn đời sau.
Những câu in nghiêng là trích trong Truyện Kiều
TS. Phạm Đức Quang
Hình ảnh minh họa : Nguồn Internet