Tác giả: TS. Phạm Đức Quang (Bút danh Sơn Đông)
6 người chồng của nàng Kiều và
5 kiểu làm chồng trong xã hội .
LÀM CHỒNG KIỂU KIM TRỌNG
Tình yêu : Thần tượng
Hôn nhân : Tượng trưng
Nhân cách người chồng : Hào hoa, phong nhã ,thông minh ,thủy chung.
KỲ 2 : KIM TRỌNG TƯƠNG TƯ THÚY KIỀU.
Tương tư là một hiện tượng tâm lý mà nỗi nhớ,niềm yêu ,sự suy nghĩ như ngưng trệ ở đối tượng mà mình say đắm với những kỷ niệm khôn nguôi lúc thì hiện hiển trước mặt ,lúc thì lắng đọng trong sâu thẳm tâm hồn khiến tâm trạng bồn chồn sầu muội,hành vi bối rối , chân tay rã rời,nét mặt bần thần , nỗi lòng da diết...
Đại Thi hào Dân tộc Nguyễn Du bằng những vần thơ lục bát lụa là đã vẽ lên một bức tranh sống động về nỗi tương tư Thúy Kiều của chàng thư sinh Kim Trọng.
Sau khi chia tay Thúy Kiều ở cuộc hội ngộ trong tiết thanh minh Kim Trọng về nhà với nỗi nhớ người đẹp khôn nguôi:
Chàng Kim từ lại thư song
Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây.
Sầu muộn là đặc điểm nổi bật của người tương tư. Cái sự sầu muộn của chàng Kim thê thảm lắm đến mức đối với chàng một ngày dài như ba năm:
Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
Đến mức chàng Kim suốt ngày đêm nhốt mình trong phòng và chỉ mơ tưởng đến nàng Kiều :
Mây tần khóa kín song the
Bụi hồng liệu nẻo đi về chiêm bao.
Đến mức mặc cho thời gian trôi đi trăng tròn rồi trăng lại khuyết,đĩa dầu cạn lại đầy, chàng Kim cứ như nhìn thấy nàng Kiều hiện hiển trước mặt , nhưng khi biết đó chỉ là mơ tưởng thì lòng chàng càng thêm ngao ngán :
Tuần trăng khuyết, đĩa dầu hao,
Mặt mơ tưởng mặt lòng ngao ngán lòng.
Cái sự sầu muộn đó khiến chàng Kim không thiết gì đến đèn sách,đờn ca làm cho căn phòng của chàng trở nên lạnh giá,đồ vật trở nên ảm đảm :
Buồng văn hơi giá như đồng,
Trúc xe ngọn thỏ tơ chùng phím loan.
Nỗi nhớ nàng Kiều da diết , nhớ đến mức chỉ cần một tiếng động nhỏ,một mùi hương thoảng qua là chàng Kim lại liên tưởng đến giọng nói , mùi hương tỏa ra từ giai nhân :
Mành tương phất phất gió đàn,
Hương gây mùi nhớ trà khan giọng tình.
Nhớ Kiều quá không chịu nổi chàng Kim vội tìm đến chốn cũ nơi mà chàng đã gặp Thúy Kiều vào ngày hội tảo mộ đạp thanh hy vọng tìm thấy một chút gì của người yêu :
Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người ,
Nhớ nơi kỳ ngộ vội dời chân đi.
Nhưng than ôi! Còn đâu cái tiết thanh minh : “ gần xa nô nức yến anh “ nữa, còn đâu cái cảnh : “Dập dìu tài tử giai nhân “ nữa, mà ở đây ngay nơi tri ngộ này chỉ còn :
Một vùng cỏ mọc xanh rì,
Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu.
Cảnh vật hiu hắt càng khiến lòng chàng Kim thêm sầu thảm :
Gió chiều như dục cơn sầu
Vi lô hiu hắt như màu khơi trêu.
Nỗi tương tư thúc dục chàng Kim :”Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều tìm sang”.Nhưng khi đến nhà Kiều chàng Kim dường như rơi vào trạng thái tuyệt vọng :
Thâm nghiêm kín cổng cao tường
Cạn dòng lá thắm dứt đường chim xanh.
Chàng Kim đứng tần ngần hồi lâu rồi thất thểu dạo quanh và vui mừng phát hiện ra mé sau cạnh nhà Thúy Kiều là nhà thương gia Ngô Việt bỏ không vì chủ nhân đi làm ăn xa chưa về :
Tần ngần đứng suốt giờ lâu
Dạo quanh bỗng thấy phía sau có nhà.
Là nhà Ngô Việt thương gia,
Buồng không để đó người xa chưa về.
Câu nói :”Nhất cự ly ,nhì cường độ “là một trong những kinh nghiệm để đôi lứa tiếp cận nhau . Cụ Nguyễn Du thật tâm lý khi cho Kim Trọng thuê phòng trọ cạnh nhà Kiều để tạo điều kiện cho đôi lứa gặp gỡ tìm hiểu nhau:
Lấy điều du học hỏi thuê
Túi đàn cặp sách đề huề dọn sang.
Từ khi ở trọ nhà Ngô Việt thương gia chàng Kim ngày ngày thấp thỏm ngó sang nhà Kiều :
Song hồ nửa khép cánh mây
Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông.
Rồi cơ may đã đến với chàng ,vào một buổi mát trời Thúy Kiều thướt tha bước ra vườn :
Cách tường phải buổi êm trời
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
Thúy Kiều chỉ ra vườn có một thoáng là bước vội vào nhà ngay :
Buông cầm xốc áo vội ra
Hương còn thơm nức người đà vắng tanh.
Chàng Kim vội vàng lần theo bức tường giữa hai nhà và nhìn thấy một cành kim thoa cài tóc vương trên cành đào thì hí hửng giơ tay với lấy :
Lần theo tường gấm dạo quanh,
Trên đào nhác thấy một cành kim thoa.
Chàng với lấy cành kim thoa mang về suốt ngày cầm trên tay ngắm nghía quên cả ăn ngủ :
Liền tay ngắm nghía biếng nằm
Hãy còn thoang thoảng hương trầm chưa phai.
Ôi chao ! khi tương tư thì ngay cả những đồ vật có hơi hướng của người tình cũng làm mê mẩn kẻ tương tư .
Và rồi :
Tan sương đã thấy bóng người,
Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ.
Cụ Nguyễn Du để nàng Kiều làm vương cành kim thoa trên cây đào ngẫu nhiên sơ ý vô tư hay là cố ý sắp xếp để tạo điều kiện gặp gỡ Kim Trọng. Những chiêu thức gây sự chú ý khi trai gái yêu nhau cũng đa dạng lắm . Có cô nàng giả vờ té để được chàng trai nâng đỡ làm quen . Có chàng trai giả vờ xem bói tay để được vuốt ve tay người đẹp... Nhưng thôi ,dù vô tư hay cố tình thì cũng là những hành vi đẹp muốn xích lại gần nhau của hai kẻ tương tư nhau .
Chàng Kim đã chờ sẵn từ lâu và khi thấy Kiều ra vườn tìm cây kim thoa cài đầu vội vàng đánh tiếng :
Sinh đà có ý đợi chờ
Cách tường lên tiếng xa đưa ướm lòng :
“ Thoa này bắt được hư không,
Biết đâu Hợp Phố mà mong châu về “.
Bao nhiêu ngày tương tư đợi chờ đến cháy bỏng nay mới có được cơ hội mở lời nên lời nói có cánh bay bổng chứa đựng điển tích sâu xa của chàng Kim làm xao xuyến lòng nàng Kiều. Thành ngữ :”Châu về Hợp Phố “ có nghĩa vật quý về với chủ cũ xuất phát từ điển tích kể rằng ở miền Hợp Phố thuộc Quận Giao Châu Tỉnh Quảng Đông Trung Quốc có loài ngọc trai quý nên viên quan tham nhũng bắt dân đi mò làm cho chúng sinh muôn vàn cực khổ vì vậy ngọc trai biến đi nơi khác hết. Sau này có vị quan thanh liêm là Mạnh Thường đến nhậm chức đã bãi bỏ lệnh mò ngọc trai nên ngọc trai lại trở về miền Hợp Phố .
Nghe những lời có cánh của chàng Kim nàng Kiều ngọt ngào trả lời như rót mật vào tai :
Tiếng Kiều nghe lọt bên kia :
“ Ơn lòng quân tử sá gì của rơi
Chiếc thoa nào của mấy mươi
Mà lòng trọng nghĩa khinh tài xiết bao”.
Nhân cơ hội này chàng Kim mới than thở bày tỏ hết lòng mình :
Sinh rằng :” Lân lý ra vào,
Gần đây nào phải người nào xa xôi.
Được rày nhờ chút thơm rơi
Kể đà thiểu não lòng người bấy nay.
Chàng Kim kể lể hết sự tình,những buồn khổ nhớ nhung những biếng ăn biếng ngủ chân thành đến mức làm cảm động lòng nàng Kiều khiến giai nhân e lệ trả lời :
Ngần ngừ nàng mới thưa rằng :
“ Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong,
Dù khi lá thắm chỉ hồng,
Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha “.
Dù trong trái tim Kiều đã mang bóng hình Kim Trọng nhưng người con gái cấm cung này vẫn giữ gìn lễ giáo gia phong xin phép về hỏi ý kiến cha mẹ. Bằng lời lẽ chân thành Kim Trọng đã năn nỉ Kiều cho gặp gỡ tìm hiểu rồi sẽ nhờ người mối mai thưa chuyện với bố mẹ nàng sau :
Dù chăng xét tấm tình si,
Thiệt đây mà có ích gì đến ai ?
Chút chi gắn bó một hai
Cho đành rồi sẽ liệu bài mối manh.
Đứng trước tấm chân tình của chàng Kim ,Thúy Kiều đã đồng ý hẹn ước và hai người trao tín vật cho nhau :
Rằng trăm năm cũng từ đây ,
Của tin gọi một chút này làm ghi “.
Trong xã hội khi trai gái yêu nhau hãy mạnh dạn đến với nhau bằng tấm lòng chân thành nghiêm túc. Nếu cố gắng hết mức mà không đến được với nhau thì cũng đừng bao giơ để tương tư thành một căn bệnh hủy hoại cuộc đời mình mà phải biết quên, biết đứng dậy làm cho cuộc sống của mình vui vẻ và có ích.
Chữ in nghiêng là trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du
Kỳ sau : Kim Kiều nguyện ước
TS.Phạm Đức Quang ( But danh Sơn Đông )