Tác giả: TS. Phạm Đức Quang (Bút danh Sơn Đông)
BÓI KIỀU CÙNG SƠN ĐÔNG
6 NGƯỜI CHỒNG CỦA THÚY KIỀU VÀ
5 KIỂU LÀM CHỒNG TRONG XÃ HỘI.
LÀM CHỒNG KIỂU TỪ HẢI
Kỳ 1 : TỪ HẢI TÁN GÁI,THÚY KIỀU CƯA TRAI
Hôn nhân : Hòa hợp,hạnh phúc
Tính cách người chồng : Hiên ngang dũng mạnh,tình nghĩa bao dung ,thủy chung trọn vẹn.
Rơi vào nhà thổ lần thứ 2 nỗi đau của thúy Kiều đã quá tải chuyển thành tâm lý chán nản buông xuôi :
Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
Giữa lúc chới với giữa biển đời ông Trời đã vứt xuống cho nàng một cái phao,cái phao đó là người khách biên đình họ Từ tên Hải :
Lần thâu gió mát trăng thanh,
Bỗng đâu có khách biên đình sang chơi.
Từ Hải là một nhân vật anh hùng hội đủ tướng mạo ,nhân cách của một vị quân vương . Những vần thơ Nguyễn Du tả Từ Hải phóng khoáng hùng hồn như gửi gắm tình cảm ước mơ của tác giả đến một mẫu người lý tưởng :
Râu hùm ,hàm én ,mày ngài
Vai năm tấc rộng,thân mười thước cao.
Nếu quy đổi ra đơn vị đo lường bây giờ thì Từ Hải cao 2m,vai rộng 0,5 m. Với chiều cao vóc dáng này Từ Hải xứng đáng đứng vào hàng ngũ các siêu mẫu của mọi thời đại. Vóc dáng đã tuyệt vời mà tướng mạo lại càng tuyệt vời hơn : Râu đẹp dữ dội như râu hùm, hàm đẹp bay bổng như cánh én,đôi lông mày cong vút đẹp như con tằm nằm uốn mình nhả tơ.
Vóc dáng này ,Tướng mạo này báo hiệu một nhân cách hiên ngang dũng mạnh,tình nghĩa bao dung ,thủy chung trọn vẹn :
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức ,lược thao gồm tài.
Đội trời đạp đất ở đời,
Họ Từ tên Hải vốn người Việt Đông.
Vào một đêm trăng thanh gió mát Từ Hải gửi thiệp đến lầu hồng xin gặp Kiều :
Thiệp danh đưa đến lầu hồng,
Hai bên cùng liếc,hai lòng cùng ưa.
Họ gặp nhau,họ liếc nhìn nhau và ngay từ cái nhìn đầu tiên ấy tiếng sét ái tình đã rền vang. Tiếng xét ái tình này không giống tiếng sét ái tình ở cái thuở ban đầu:”Tình trong như đã mặt ngoài còn e“ giữa Kim Trọng và Thúy Kiều. Tiếng sét ái tình này nổ ra giữa hai người từng trải dạn dày sương gió,là tiếng sét ái tình của đôi lứa trai anh hùng gặp gái thuyền quyên,là tiếng sét ái tình của cặp đôi mà chỉ cần một cái liếc nhìn thôi cũng đủ cân đong đo đếm chính xác về nhau. Bởi vậy mới lần đầu gặp nhau mà họ không hề bối rối ấp úng,họ nói chuyện với nhau,cưa nhau, tán nhau rất uyển chuyển ,rất khôn khéo,rất văn hoa học thức và cũng rất chân thành . Màn đối thoại làm quen giữa Từ Hải và Thúy Kiều khi lần đầu gặp nhau trong đêm trăng thanh gió mát là một thiên kiệt tác về văn học và tâm lý học của nước nhà.
Sau cái liếc nhìn đầu tiên ấy chàng trai xứ Việt Đông chủ động thực hiện 3 thao tác làm quen thông thường trong giao tiếp ban đầu : Giới thiệu về mình, nêu mục đích của cuộc gặp gỡ và nêu yêu cầu cần thực hiện trong đối thoại :
Từ rằng :”Tâm phúc tương cờ
Phải người trăng gió vật vờ hay sao.
Từ Hải đã dùng câu cổ ngữ : “Tâm phúc tương cờ“ nghĩa là lấy lòng dạ để hẹn nhau để giới thiệu mình là người tử tế ,một người thật lòng đến gặp Kiều với mục đích mong được làm quen.Tiếp theo chàng trói Kiều vào cái yêu cầu cần phải nghiêm túc chân thành trong cuộc đối thoại làm quen này :
Phải người trăng gió vật vờ hay sao ?
“Nàng ơi ! tôi là người tử tế ,chân thành.Tôi đến đây mong được làm quen với nàng . Tôi mong nàng cũng chân thành nghiêm túc như tôi nàng nha ! “
Trong nhiều cuộc đối thoại thường người ta thắc mắc tại sao đối tượng lại biết được mình để làm quen. Để giải tọa thắc mắc đó Từ Hải nêu lý do tại sao lại biết đến Kiều. Cái lý do đó đồng thời cũng là một lời khen Kiều rất khéo léo núp dưới một câu hỏi văn hoa học thức với việc sử dụng điển tích sâu xa :
Bấy lâu nghe tiếng má đào
Mắt xanh chẳng để ai vào có không ?
Từ Hải thừa biết Kiều là gái lầu xanh nhưng chàng không hề đả động đến điều đó mà tôn vinh nàng lên bậc giai nhân tài sắc nổi tiếng được nhiều người hâm mộ nên chàng mới biết mà tìm đến . Chàng đã sử dụng từ : “Mắt xanh “. Thời Nhà Tấn ( 266-420) có một người tên là Nguyễn Tịch có thói quen tiếp khách rất kỳ dị.Đối với những người ông ta yêu thích thì ông nhìn thẳng vào mắt người đó mà nói chuyện để lộ tròng mắt xanh. Còn đối với những người ông không ưa thì ông lườm người ta mà nói chuyện để lộ tròng mắt trắng.Về sau từ “mắt xanh” người đời dùng với ý nghĩa sự bằng lòng vừa ý. Câu khen này ,câu thắc mắc này của Từ Hải vừa nêu lý do vừa gợi ý cho Kiều hướng trả lời có lợi cho mình : “Tôi nghe người ta đồn nàng là một giai nhân tài sắc nên tôi mới tìm đến đây.Nàng đẹp như vậy , nàng nổi tiếng như vậy sao không để ý bằng lòng ai là cớ làm sao ? “ . Để gây ảnh hưởng đến Kiều cũng như bao chàng trai đa tình khác chàng tự khoe một chút, nhẹ nhàng khuyên nhủ quan tâm đến nàng :
Một đời được mấy anh hùng
Bỏ khi cá chậu chim lồng mà chơi.
Thời Tam quốc (190-250 ) trong một cuộc đối ẩm với Lưu Bị, Tào Tháo nói : “ Chỉ có ta và sứ quân là anh hùng trong thiên hạ mà thôi ‘. Ai đã đọc Tam Quốc Chí của tác giả La Quán Trung thì đều biết rằng thời kỳ này có biết bao nhiêu danh tướng như : Quan Vân Trương,Triệu Tử Long,Lã Bố ...và có biết bao nhiêu mưu sĩ như Khổng Minh, Từ Thức ,Bàng Thống... Thế mà Tào Tháo lại chỉ công nhận bản thân mình và Lưu Bị là anh hùng thì anh hùng quả là hiếm lắm. Bảo rằng anh hùng rất hiếm nhưng Từ Hải lại như ám chỉ mình cũng là một anh hùng .Lời khoe của Từ Hải khéo léo đến mức người nghe tin và không hề có ý nghĩ chàng tự cao tự đại.
Ngôn ngữ của Từ Hải lịnh thiệp ,tôn trọng phụ nữ ,chân thành,văn hoa học thức khiến lòng Kiều xao xuyến và nàng khiêm tốn nhã nhãn trả lời :
Nàng rằng : “ Người dạy quá lời,
Thân này còn dám xem ai là thường!
Nàng Kiều được trai anh hùng như Từ Hải khen cũng lấy làm sung sướng lắm .Nhưng nàng cố dấu sự sung sướng đó và thẽ thọt :” Chàng ơi ! chàng đừng khen quá như thế làm cho thiếp xấu hổ lắm ! Thân phận thiếp như bây giờ còn dám coi thường ai nữa. “. Câu trả lời của Kiều khiêm tốn , chân thành như một lời tự bạch . Tiếp theo nàng khôn khéo dùng điển tích thông qua câu thơ có nhắc đến một nhà ngoại giao của nước Triệu ( 408-222 TCN) tên là Triệu Thắng hiệu là Bình Nguyên Quân :
Chút riêng chọn đá thử vàng
Biết đâu mà gửi can trường vào đâu.
Nàng đã sử dụng ý trong câu thơ : “ Bất tri can đảm hướng thùy thị “. Nghĩa là :“Biết ai gan ruột như mình “ trong bài thơ : ‘ Hàm đan thiếu niên hành “ của Cao Tử đời Nhà Đường ( 618-907) để trả lời : “ Thiếp cũng muốn có được một người tử tế để nương tựa lắm ,nhưng biết tìm ở đâu bây giờ,ai có thể hiểu được lòng thiếp đây “ Sự khôn khéo này của nàng Kiều không chỉ vừa tự khoe mình là người đọc sách mà còn bỏ lửng vế sau của câu thơ để chờ Từ Hải nối tiếp như một phép thử tâm lý thử xem Từ Hải thâm nho đến cỡ nào , giỏi văn thơ đến cỡ nào ?Tình cảm đối với mình đến đâu ? Rồi nàng thật thà giải bày :
Còn như vào trước ra sau,
Ai cho kén chọn vàng thau tại mình ! “
“ Chàng ơi ! Cái chuyện trăng gió vào trước ra sau ấy, vàng thau như thế nào cũng tự mình mà ra cả thôi “. Với lời lẽ chân thành khiêm tốn này Từ Hải đã khen Kiều lời nói hữu tình :
Từ rằng:” lời nói hữu tình,
Khiến người lại nhớ câu Bình Nguyên Quân.
Nếu Từ Hải không giỏi văn thơ thì khi trả lời Kiều chàng sẽ bỏ qua câu thơ điển tích trên. Nhưng may thay chàng lại là người học rộng không chỉ am hiểu điển tích mà còn am hiểu văn thơ nữa .Chàng đã dùng tiếp ý thứ 2 trong câu thơ liền mạch của Cao Tử đời Nhà Đường :”Linh nhân khước ức Bình Nguyên Quân “ nghĩa là : “Khiến người lại nhớ đến Bình Nguyên Quân “ mà Kiều đã bỏ lửng để đối đáp với nàng .Bình Nguyên Quân là người chiêu hiền đãi sĩ , một nhà ngoại giao tài ba rất giỏi xem tướng người .Nêu lên ý này chàng trai Xứ Việt Đông đã không bỏ lỡ cơ hội liên kết ý tưởng xem tướng người của Bình Nguyên Quân để dụ nàng Kiều đến gần mình:
Lại đây xem lại cho gần,
Phỏng tin được một vài phần hay không ?”
Từ Hải là người anh hùng nhưng vẫn không thoát khỏi những chiêu thức tán gái đã trở thành truyền thống của các chàng trai đa tình là khoe một chút,tự lăng xê mình một chút và dụ nàng đến gần mình một chút . Bất kỳ chàng trai nào khi tán gái cũng muốn tiếp cận nàng gần hơn ,chứ cứ ngồi cách xa nhau một mét thì cũng chán lắm.
Hồi Sơn Đông còn là sinh viên có cậu bạn học bày cho Sơn Đông cách dụ gái đến gần mình : “ Mày muốn nàng đến gần mình hơn, muốn vuốt ve bàn tay của nàng thì phải dùng chiêu xem bói bàn tay.Nhưng nhớ chỉ có khen nàng thôi chứ không được chê “.Sơn Đông cũng đã thử và hiệu quả bất ngờ .Có nàng gặp Sơn Đông ở đâu cũng giơ bàn tay ra yêu cầu : “ Anh Sơn nì , bói tay cho em với hỉ “ .Khi đọc Truyên Kiều mới biết cụ Nguyễn Du còn cao thủ hơn nhiều . Cụ cho Từ Hải dùng chiêu xem tướng người để dụ Kiều đến gần hơn.Xem tướng người đâu chỉ có bàn tay mà còn mặt mũi ...và cả 3 vòng nữa . Chiêu này quả là lợi hại lắm lắm .
Kiều biết tỏng Tử Hải dụ mình đến gần nhưng nàng lờ đi không nói gì và trả lời rất khôn khéo :
Thưa rằng lượng cả bao dung,
Tấn Dương được thấy mây rồng có phen.
Lại một lần nữa Thúy Kiều sử dụng điển tích. Năm 617 khi Đường Cao Tổ Lý Uyên khởi binh ở Tấn Dương chống lại Nhà Tùy lập nên Nhà Đường thì có một đám mây ngũ sắc rực rỡ xuất hiện trên bầu trời báo hiệu Lý Uyên sẽ làm thiên tử. Kiều nịnh Từ Hải sẽ là Lý Uyên mai sau.Câu nịnh này tiếp sức cho câu Thúy Kiều khẩn cầu Từ Hải giúp đỡ mình tiếp theo:
Rộng thương cỏ nội hoa hèn,
Chút thân bèo bọt dám phiền mai sau.
Khi trả lời lời cầu hôn của Thúc Sinh Thúy Kiều phải dùng đến 194 từ.Nhưng khi trả lời Từ Hải ,Thúy Kiều chỉ dùng 4 từ : “Dám phiền mai sau”. Bốn từ này chứa đựng 3 thông điệp như sau :
-Một là Kiều thông báo với Từ Hải rằng nàng đồng ý theo chàng.
- Hai là Kiều thật thà báo trước cho Từ Hải biết trước rằng chàng sẽ gặp phiền phức khi lấy nàng.
-Ba là Kiều tha thiết đề nghị Từ Hải cứu giúp mình ra khỏi nhà thổ.
Để nói được 4 từ :”Dám phiền mai sau “ Thúy Kiều đã chuẩn bị tâm lý cho Từ Hải rất kỹ lưỡng : Vừa tôn vinh Từ Hải là một bậc quân vương như Lý Uyên đời Nhà Đường để kêu gọi lòng nghĩa hiệp của bậc anh hùng vừa trình bày hoàn cảnh đáng thương của mình như cỏ nội hoa hèn như bèo bọt để đánh vào lòng trắc ẩn của chàng trai Xứ Việt Đông. Cuối cùng Thúy Kiều đã thành công rực rỡ . Từ Hải không chỉ đồng ý cứu giúp Kiều ngay lập tức mà còn khen Kiều là có con mắt tinh đời,là tri kỷ của chàng.Không những thế chàng còn hứa sẽ chung tình với nàng suốt đời :
Nghe lời vừa ý gật đầu,
Cười rằng ; “ Tri kỷ trước sau mấy người ?
Khen cho con mắt tinh đời,
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già.
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau “.
Và rồi Từ Hải đã đưa phắt 100 lạng vàng theo yêu cầu của nhà thổ để chuộc Kiều ra :
Ngỏ lời nói với băng nhân,
Tiền trăm lại cứ nguyên ngân phát hoàn.
Thế là Thúy Kiều từ cô gái lầu xanh đã trở thành phu nhân của người anh hùng Từ Hải và sau này là hoàng hậu của một đế vương riêng một biên thùy.
Mới lần đầu gặp nhau mà đã cưa đổ trai anh hùng Từ Hải thì cái tài cưa trai của Thúy Kiều :”Ví đem vào tập đoạn trường,thì treo giải nhất chi nhường cho ai !“. Còn cái tài tán gái của Từ Hải cũng cự phách lắm có thể xếp vào tốp đầu 10 chàng trai tán gái giỏi nhất của mọi thời đại.
Trong cuộc sống đời thường trai gái tán tỉnh nhau ,cưa nhau là chuyện bình thường. Nhưng tán thế nào ,cưa thế nào để đối tượng tin và có cảm tình với mình lại là điều đáng bàn. Nhưng dù tán nhau ,cưa nhau kiểu gì thì thái độ tình cảm chân thành,lời nói khiêm nhường khéo léo,ứng xử có văn hóa,biết tôn trọng lẫn nhau thì thường gặt hái được nhiều thành công hơn.
Những câu chữ in nghiêng là trích trong Truyện Kiều của Đại Văn Hào Nguyễn Du
Hình ảnh minh họa : Nguồn internet
Sơn Đông.
Kỳ sau : Từ Hải chết đứng