Tác giả: TS. Phạm Đức Quang (Bút danh Sơn Đông)
BÓI KIỀU CÙNG SƠN ĐÔNG
6 NGƯỜI CHỒNG CỦA THÚY KIỀU VÀ
5 KIỂU LÀM CHỒNG TRONG XÃ HỘI.
LÀM CHỒNG KIỂU THÚC SINH
Hôn nhân với nàng Kiều : Mù quáng
Nhân cách người chồng : Nhu nhược,không thủy chung,chơi bời hoang phí
Mã giám sinh giả danh cưới Kiều làm vợ thực chất là mua Kiều về lầu xanh tiếp khách trục lợi cho hắn. Biết được điều này Kiều đau đớn xót xa.Nàng đã quyên sinh nhưng không chết.Nàng đã theo Sở Khanh đi trốn nhưng không thoát. Bị Tú Bà và bè lũ đánh đập tàn ác đến mức không chịu đựng nổi Kiều phải thốt lên :
Thân lươn bao quản lấm đầu
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
Hồi Sơn Đông còn nhỏ thường nghe cha mình ngâm Kiều.Đến câu thơ này giọng cha nghe như khóc.Một lần Sơn Đông hỏi cha :
-Thưa thầy,lòng trinh bạch là lòng tốt tại sao phải xin chừa ạ ?
Cha Sơn Đông trả lời :
-Bọn người độc ác muốn Kiều làm điều xấu để kiếm lợi cho chúng nên đã đánh đập nàng rất dã man.Không chịu đựng nổi nàng đành từ bỏ lòng trinh bạch của mình để làm điều sai trái con ạ .
Rồi cha nắm lấy tay Sơn Đông căn dặn:
-Sau này dù thế nào cũng không được từ bỏ lòng tốt để làm điều sai trái con nhé .
Thúc Sinh là một khách làng chơi .Hắn là một gã chơi bời hoang phí :
Thúc Sinh quen nết bốc rời
Trăm nghìn đổ một trận cười như không.
Thúc Sinh mê mẩn Kiều đến mức đòi cưới nàng làm vợ.Thúy Kiều đã chỉ ra cho chàng Thúc biết 4 điều lấy nàng là mù quáng :
Một là Thúc Sinh đã có vợ ,dù có yêu Kiều đến đâu cũng không thoát được nanh vuốt sư tử :
Thế trong dù lớn hơn ngoài,
Trước hàm sư tử gởi người đằng la.
Hai là khi cha mẹ Thúc biết được liệu có tha thứ cho chăng ? :
Ở trên còn có nhà thông,
Lượng trên trông xuống biết lòng có thương ?
Ba là Kiều là gái lầu xanh ,cưới nàng thì danh gúa của Thúc Sinh sẽ bị ảnh hưởng :
Lại càng dơ dáng dại hình,
Đành thân phận thiếp ngại danh giá chàng.
Bốn là Thúc Sinh chỉ yêu đương nhất thời thôi rồi ra sẽ ruồng bỏ nàng :
Rồi ra lạt phấn phai hương,
Lòng kia giữ được thường thường mãi chăng ?
Sau khi phân tích phải trái để Thúc Sinh hiểu Thúy Kiều kết luận :
Thương sao cho vẹn thì thương,
Tính sao cho trọn một đường thì vâng.
Nhưng tình yêu mù quáng khiến chàng Thúc bất chấp và hắn huynh hoang :
Đường xa chớ ngại Ngô Lào.
Trăm điều hãy cứ trông vào một ta.
Và rồi Thúc Sinh chuộc Kiều ra khỏi Lầu xanh và làm đám cưới với nàng. Đúng như Thúy Kiều dự đoán ,lấy Thúc Sinh nàng phải trả một cái giá đau đớn tột cùng cả về thể xác lẫn tinh thần.
Cha Thúc Sinh biết được kiện Thúy Kiều lên quan .Trận đòn của quan phủ:”Ba cây chập lại một cành mẫu đơn” làm cho nàng thịt nát máu rơi :
Phận đành chi dám kêu oan
Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày.
Trận dòn của mẹ vợ Thúc Sinh- Bà phu nhân quan Lại bộ làm cho thân thể nàng đau đớn quằn quại :
Trúc côn ra sức đập vào
Thịt nào chẳng nát gan nào chẳng kinh.
Hoạn Thư con quan Lại Bộ quyền uy giàu có là vợ cả Thúc Sinh lại ra đòn hiểm ác đánh vào tinh thần tâm lý của tình địch.Hoạn Thư giả vờ như không biết Kiều là vợ nhỏ của chồng mình và bắt nàng về làm nô tỳ trong nhà biến đôi vợ chồng thành con ở chúa nhà:
Rõ ràng thật lứa đôi ta
Làm ra con ở chúa nhà đôi nơi.
Với cách xử lý này Hoạn Thư đã hành hạ tinh thần Kiều đến mức :
Làm cho cho mệt cho mê
Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
Bữa tiệc Hoạn Thư bày ra để hành hạ Thúy Kiều là một thiên kiệt tác mà tâm lý nhân vật được Đại Văn hào Nguyễn Du mô tả sống động sâu sắc.
Khi Thúc Sinh vừa về đến nhà, Hoạn Thư tươi cười chào đón mở tiệc ăn mừng rồi gọi Thúy Kiều ra lạy chào ông chủ :
Nhà hương cao cuốn bức là,
Phòng trong truyền gọi nàng ra lạy mừng.
Hai vợ chồng nhìn thấy nhau phách lạc hồn xiêu nhưng không dám nhận nhau. Còn HoạnThư thì vẫn cười cười nói nói giả vờ không biết gì nhưng trong bụng hể hả và quan sát từng chi tiết diễn biến thái độ hành vi của đôi lứa. Trong bữa tiệc Hoạn Thư bắt Kiều quỳ hầu hạ :
Vợ chồng chén tạc chén thù
Bắt nàng đứng chực trì hồ hai nơi
Bắt khoan bắt nhặt từng lời
Bắt quỳ tận mặt bắt mời tận tay.
Thúc Sinh nhìn thấy vợ mình bị vợ cả hành hạ chỉ biết xót xa rơi lệ :
Sinh càng như dại như ngây
Giọt dài giọt ngắn chén đầy chén vơi.
Thấy chồng khóc Hoạn Thư lại mắng Kiều :
Tiểu thư vội thét :”Con Hoa !
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn”.
Thúc Sinh run sợ vội “Ngậm bồ hòn làm ngọt “.Hoạn Thư lại sai Kiều gảy đàn .Tiếng đàn của Kiều ai oán sầu thảm khiến chàng Thúc không cầm được nước mắt .Hoạn thư lại mắng Kiều :
Tiểu thư lại thét lấy nàng:
“Cuộc vui gảy khúc đoạn trường ấy chi!
Sao chẳng biết ý tứ gì?
Cho chàng buồn bã tội thì ở ngươi “.
Chàng Thúc nhu nhược chỉ biết “Vội vàng gượng nói gượng cười cho qua”.
Một bữa tiệc,một đoạn kịch với 3 nhân vật ,sự biến thiên của các hiện tượng tâm lý tình cảm đan xen nhau được Đại Văn hào Nguyễn Du phân tích tài tình thông qua thái độ hành vi sự việc : Hoạn Thư : Hể hả ;Thúc Sinh : Run sợ xót xa; Thúy Kiều : Đau đớn tủi nhục :
Cũng trong một tiếng tơ đồng ,
Người ngoài cười nụ ,người trong khóc thầm.
Một lần Kiều thảo tờ trinh xin Hoạn Thư cho ra ở chùa để chép kinh niệm Phật.Lời lẽ trong tờ trình hay đến mức Hoạn Thư động lòng trắc ẩn :
Diện tiền trình với tiểu thư
Thoắt xem dường có ngẩn ngơ chút tình.
Kiều được phép ra Quan Âm Các nhà họ Hoạn tu hành. Một hôm nhân Hoạn Thư đi vắng Thúc Sinh lén lút ra chùa gặp Thúy Kiều:
Thừa cơ Sinh mới lẻn ra
Xăm xăm đến mé vườn hoa với nàng.
Hai vợ chồng gặp nhau khóc lóc kể lể đủ điều :
Cùng nhau kể lể sau xưa
Nói rồi lại nói lời chưa hết lời.
Hoạn Thư về đứng rình nghe hết mọi chuyện ,nghe chán rồi thì giả vờ không biết gì bước ra gặp cả hai làm bộ như tình cờ mới đến nơi, tươi cười chào hỏi chồng :
Cười cười nói nói ngọt ngào
Hỏi :”Chàng mới ở chốn nào lại chơi ?“.
Kiều nghi ngờ mới hỏi lại con hầu của Hoạn Thư. Con hầu kể hết sự tình :
Hoa rằng:” Bà đến đã lâu,
Nhón chân đứng nép độ đâu nửa giờ.
Rành rành kẻ tóc chân tơ
Mấy lời nghe hết đã dư tỏ tường ...”
Nghe xong Kiều sởn gai ốc kinh hãi :
Nghe thôi kinh hãi xiết đâu :
“Đàn bà thế ấy thấy âu một người !
Ấy mới gan ấy mới tài,
Nghĩ mà thêm nổi sớn gai rụng rời.
Một lần Sơn Đông đàm đạo với một vị Thượng tọa trụ trì một ngôi chùa ở thành phố Nha Trang . Vị sư có nói một câu mà Sơn Đông rất tâm đắc : " Thí chủ ạ ,muốn có sự bình an của cõi lòng thi nên xem mọi việc như thường ". Làm sao xem như thường được khi trong cuộc sống biết bao nhiêu sự việc khiến ta phải đau đầu ,tức giận ,buồn khổ có lúc đến mức xung đột . Không phải ai cũng thực hiện được câu nói này . Tuy nhiên người thực hiện được câu nói đó chắc chắn phải có bản lĩnh lắm . Hoạn Thư đã đạt đến đỉnh cao của bản lĩnh này. Thấy chồng mình và cô nhân tình kể lể khóc lóc âu yếm bên mhau mà mặt vẫn tỉnh bơ vẫn cười cười nói nói xem như thường thì cái năng lực kiềm chế đè nén cơn tức giận ,cơn ghen tuông xuống tận đáy lòng phải mạnh mẽ ghê gớm lắm lắm . Vậy cho nên người sâu sắc như Thúy Kiều mới kinh hãi " Nổi sớn gai rụng rời " và đang đêm leo tường bỏ trốn :
Cất mình qua ngọn tường hoa.
Lần đường theo bóng trăng tà về Tây.
Khi đi trốn Kiều mang theo chuông vàng khánh bạc của chùa nhà họ Hoạn để phòng thân.
Và rồi người con gái bán mình để cứu cha đó đã trải qua bao nhiêu nỗi đau đớn ê chề nay lại dấn thân vào con đường “Mịt mù dặm cát đồi cây” một thân một mình giữa cái xã hội phong kiến đầy rẫy những cạm bẫy xấu xa :
Canh khuya thân gái dặm trường,
Phần e đường xá phần thương dãi dẫu.
Thế là Hoạn Thư đã đạt được mục đích mỹ mãn :Đuổi được tình địch đi,giữ được chồng cho mình,bảo vệ được danh giá cho chồng cho mình và cả nhà họ Hoạn. Cho nên cụ Nguyễn Du mới khen Hoạn Thư :
Đàn bà dễ có mấy tay
Đời xưa mấy mặt , đời này mấy gan !
Dẫu Thúc sinh đã có công chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh của Tú Bà nhưng sự mù quáng trong tình yêu, nhu nhược trong cách hành xử đã khiến nàng bị hành hạ cả thể xác lẫn tâm lý tinh thần.
Trong xã hội, người con gái lấy phải chồng nhu nhược cũng nhiều lắm.Nếu người chồng chỉ có nhu nhược không thôi thì chẳng sao cả.Bởi bản chất nhu nhược trong hôn nhân là sợ vợ mà sợ vợ nhiều khi lại đáng yêu vì sẽ giảm thiểu được sóng gió trong đời sống vợ chồng.
Nếu người chồng nhu nhược lại ăn chơi hoang phí thì vợ nên quản lý chặt chẽ tài chính sẽ có hiệu quả.
Còn người chồng vừa nhu nhược vừa chơi bời hoang phí vừa ruồng bỏ vợ con đi theo nhân tình dạng Thúc Sinh, nếu người vợ thấy mình không có bản lĩnh thì ly hôn là biện pháp tốt nhất.Tất nhiên không được dùng biện pháp bạo lực như tạt axit,đánh đập,bắt người trái phép...bời đó là vi phạm pháp luật và hậu quả là gia đình tan vỡ phải ra trước vành móng ngựa,sự tổn thương không lường được đặc biệt là cho những đứa con.
Những câu in nghiêng là trích từ Truyện Kiều của Đại Thi hào Nguyễn Du
Sơn Đông
Ảnh minh họa : Nguồn Internet
Kỳ sau : Làm chồng kiểu Bạc Hạnh