Tác giả: TS. Phạm Đức Quang (Bút danh Sơn Đông)
DỊCH SAI KHÁCH SỢ
ĐIỀU SUY NGẪM
Kiến thức, đặc biệt là kiến thức nghề nghiệp ,kiến thức cuộc sống là một trong những nền tảng vững chắc để đứng vững trong cuộc đời.
THƠ BÀN
Hành trang cuộc sống mỗi người
Kiến thức càng rộng, niềm vui càng đầy.
Tay nghề ,nghiệp vụ càng hay
Giao tiếp ứng xử càng say lòng người.
CHUYỆN CƯỜI SƠN ĐÔNG
Một lần có một ông Tây đến cố đô Huế du lịch nhân dịp Tết Nguyên Đán.Người hướng dẫn viên đưa khách tới chùa Thiên Mụ tham quan.Tại đây hướng dân viên giới thiệu cho khách lịch sử và danh lam thắng cảnh trong chùa.Sau đó anh đọc câu ca dao:
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ ,canh gà Thọ Xương.
Ông Tây hỏi ý nghĩa của câu ca dao này.Hướng dẫn viên giải nghĩa :
-Câu này có nghĩa là:
Vợ Trời đánh một tiếng chuông,
Canh gà húp vội hóc xương mấy lần.(1)
Sau buổi tham quan hướng dẫn viên dẫn ông Tây đi ăn phở gà. Ông Tây ăn nhâm nhi chậm rãi.Hướng dẫn viên hỏi :
-Thưa ngài, phở gà không hợp khẩu vị ạ ?
Ông Tây trả lời :
-Phở gà ngon lắm nhưng tôi sợ hóc xương.
LỜI BÌNH
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương
Ca dao
Tiếng chuông chùa Thiên Mụ vang lên hòa lẫn với tiếng gà gáy tàn canh trong làng Thọ Xương báo hiệu một ngày mới bắt đầu.Một bức tranh tuyệt đẹp và sôi động vào buổi sáng tinh mơ với tiếng chuông chùa, với tiếng gà gáy ,với những cành trúc la đà trước gió.
Do kiến thức địa lý ,văn học còn hạn chế nên người hướng dẫn viên hiểu từ " Thiên Mụ " thành Vợ Trời cho nên mới dịch " Tiếng chuông Thiên Mụ" thành ra "Vợ Trời đánh một tiếng chuông ".Và hiểu "canh gà Thọ Xương" là một món ăn mà lại có chữ xương nên mới dịch bừa :" Canh gà húp vội hóc xương mấy lần".
Cũng có 4 câu ca dao tương tự tả danh lam thắng cảnh của kinh thành Thăng Long vào buổi sáng mai (Có sách nói của Dương Khuê ):
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Ngày nay du lịch là một trong những ngành mũi nhọn của nước ta. Bởi vậy hướng dẫn viên giỏi ngọai ngữ và am hiểu địa lý, lịch sử ,văn học ... sẽ giúp cho khách hiểu được đất nước, con người Việt Nam cũng như hấp dẫn khách đến nước ta du lịch nhiều hơn.Cũng có thể câu chuyện trên được hư cấu nhưng muốn nói lên rằng : Dịch sai hoặc giới thiệu sai lịch sử , địa lý văn học ...sẽ làm cho khách hiểu sai và đôi khi dẫn tới những tình cảm tiêu cực hậu quả khó lường.
(1) Câu thơ này dân gian truyền miệng kể lại
Sơn Đông