Tác giả TS.Phạm Đức Quang bút danh Sơn Đông
SƠN ĐÔNG BÌNH THƠ
VÀO CHÙA
Đang trưa ăn mày vào chùa
Sư cụ cho một lá bùa rồi đi
Ăn mày không biết làm gì
Lá bùa nhét túi lại đi ăn mày.
ĐỔNG ĐỨC BỐN
( Bài thơ này lấy từ tập thơ : 100 bài thơ hay thế kỷ XX .Nhà Xuất bản Giáo Dục,Hà Nội 2007 )
Đổng Đức Bốn(1948-2004),quê ở Hải Phòng đã xuất bản các tập thơ :Chăn trâu đốt lúa,Trở về với mẹ ta thôi,Cuối cùng vẫn còn dòng sông,Tuyển tập thơ Đổng Đức Bốn.Bài thơ vào chùa đã được NXB Giáo dục kết hợp với Trung tâm Văn hóa Doanh nhân bình chọn là một trong 100 bài thơ hay của thế kỷ 20 ở Việt Nam.
Bài thơ như một đoạn phim câm ngắn:
Bối cảnh : Sân chùa
Thời gian : Đang trưa
Nhân vật :Sư cụ và Người ăn mày
Vật liên kết : Lá bùa
Người ăn mày vào chùa ,Sư cụ chạy ra cho lá bùa rồi trở vô chùa.Người ăn mày nhận lá bùa bỏ túi và đi ăn mày tiếp. Đoạn phim không có một lời đối thoại nào nhưng người đọc vẫn cảm thấy xót xa.Sư cụ cho lá bùa với tấm lòng mong mỏi người ăn mày được phù hộ thoát khỏi kiếp nạn.Người ăn mày nhận lá bùa và có lẽ trong thâm tâm gã lóe lên một tia hy vọng nào đó.Nhưng thực tế thì người ăn mày lai đi ăn mày.Bài thơ nêu lên một chân lý : Khi con người đói khổ cái họ cần là miếng cơm manh áo là tạo điều kiện để họ thoát nghèo .Nếu thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu ,sự tương trợ thiết thực thì dù có bùa phép gì cũng khó giúp họ đỡ cực khổ được.
Một hiện tượng bình thường đơn giản với cái nhìn sắc sảo tác giả đã viết lên bốn câu thơ bình dị,súc tích tạo nên một đoạn phim chân chất mà đầy ý nghĩa triêt lý nhân văn.
Sơn Đông