Tác giả TS.Phạm Đức Quang (Bút danh Sơn Đông)
SƠN ĐÔNG BÌNH THƠ
THƯƠNG VỢ
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Một duyên, hai nợ âu đành phận
Năm nắng, mười mưa chẳng quản công.
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không !
Tú Xương
Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương ( 1870-1907 ),người làng Vĩ Xuyên,Huyện Mỹ Lộc Tỉnh Nam Định . Ông lấy vợ năm 12 tuổi . Vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn.Nhà thơ đi thi nhiều lần nhưng chỉ đỗ được mỗi cái tú tài ( Tốt nghiệp lớp 12 bây giờ).Thi không đỗ không được làm quan,bản thân lại là một nhà nho dài lưng tốn vải không giúp được gì cho vợ cho nên bài thơ này mới ra đời.
Bà Tú là điển hình của mẫu người phụ nữ Việt Nam hết lòng vì chồng,vì con.Trong bài thơ “ Thương vợ “ tác giả mô tả chân thật cảm động cuộc sống vất vả gian khổ của vợ mình.Bà Tú buôn bán mom song, quãng vắng,lặn lội thân cò,năm nắng mười mưa để kiếm tiền nuôi đủ năm con với một chồng:
Quanh năm buôn bán ở mom sông
Nuôi đủ năm con với một chồng.
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Trong bài thơ những từ : mom song, nuôi đủ .lặn lội,quãng vắng, eo sèo tác giả dùng khéo quá,nó như những ngọn đèn soi tỏ cuộc sống vất vả gian khổ của bà Tú.Vất vả là thế gian khổ là thế nhưng bà Tú không một lời than phiền:
Một duyên, hai nợ âu đành phận
Năm nắng ,mười mưa dám quản công.
Một duyên đó là duyên vợ chồng,cũng bởi cái duyên này cũng vì thương chồng thương con mà bà Tú chẳng quản công vượt mọi khó khăn .Nhà thơ tự cho mình là một cái nợ, và những đứa con là cái nợ thứ hai đè nặng lên vai bà Tú.Thương vợ quá,càng thương vợ bao nhiêu thì ông Tú lại càng giận mình bấy nhiêu.Có lẽ chế độ thực dân phong kiến đã bức bách ông Tú đẩy ông vào bước đường cùng và khi người ta đau khổ cùng cực thì người ta chán đời hận đời,bất cần đời và bất chấp thể diện mình là đệ tử cửa Khổng sân Trình là một nhà nho ông bật lên câu chửi :
Cha mẹ thói đời ăn ở bạc
Có chồng hờ hững cũng như không !
Cuộc đời sao tệ bạc với mình thế,khiến cho vợ mình có chồng đấy cũng như không có chồng.Đọc bài thơ này chắc bà Tú lại càng thương ông Tú nhiều hơn.
Bài thơ thât ngôn bát cú mà tiếng nhạc tiếng thơ hòa quyện nhau tạo nên một bức tranh sinh động về người phụ nữ Việt Nam ,về tình nghĩa vợ chồng, về nỗi lòng của tác giả khiến người đọc ngậm ngùi xao xuyến.
Sơn Đông